Quý khách có thể truy cập bongdalives.net nếu khó khăn trong việc truy cập bongdalives.com. Chân thành cảm ơn!!!

Rooney và tuyển Anh sa sút: Đừng trầm trọng hóa vấn đề

Thứ năm - 13/10/2016 11:24
BongdaLIVES.com - Vấn đề của Wayne Rooney không phải là anh nên đứng ở đâu, chơi như thế nào, giữ vai trò gì. Chưa bao giờ Rooney biết mình thích hợp với vị trí nào, vai trò gì, trong lối chơi nào. Và đấy chẳng bao giờ là chuyện lạ. Bóng đá Anh chính là như vậy.
Rooney và ĐT Anh sa sút: Đừng trầm trọng hóa vấn đề
 
Ở tuổi 16, Rooney đá cặp với Kevin Campbell tại Everton. Rồi anh đá cặp với Michael Owen ở ĐTQG Anh. Ruud van Nistelrooy, Dimitar Berbatov, Chic-harito, Danny Welbeck... lần lượt là đồng đội của Rooney. Các HLV cứ xếp đội hình theo từng hoàn cảnh cụ thể, và Rooney chơi bóng như một tiền đạo cắm, tiền đạo lùi, cầu thủ số 10, thậm chí đá cánh...
 
Chưa bao giờ Rooney biết mình thích hợp với vị trí nào, vai trò gì, trong lối chơi nào. Và đấy chẳng bao giờ là chuyện lạ. Bóng đá Anh chính là như vậy.
 
Cựu danh thủ Anh David Platt chỉ phát hiện ra sự thật kỳ lạ ấy sau những năm tháng lăn lộn ở Serie A, qua các màu áo Bari, Juventus, Sampdoria. Ông thật sự “mở mắt”: thì ra vấn đề chiến thuật quan trọng vô cùng. Platt nói: “Trong thế hệ của mình, chúng tôi (các cầu thủ Anh) chẳng bao giờ quan tâm đến chiến thuật. Chúng tôi ra sân theo sơ đồ 4-4-2, ai đứng đâu, làm gì, đấy luôn là điều định sẵn. Cứ như chơi bóng nghĩa là chơi theo 4-4-2. Ai còn băn khoăn về việc phải đứng đâu, làm gì, cứ hỏi HLV một câu là xong”.
 
Tất nhiên, Rooney thuộc thế hệ sau, hiện đại hơn Platt. Thứ bóng đá của Rooney cũng khác hẳn dưới thời Platt. Nhưng điều cốt lõi thì vẫn vậy: lăn tăn làm gì chuyện mình nên đứng ở đâu, phù hợp với vai trò nào! Ngày xưa, Alex Ferguson là một tiền đạo... kém. Muốn có bóng mà không bị kèm quá sát, ông phải lùi về một tí, làm cặp tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 “cổ điển” trở nên mất cân bằng. Ông tự phát hiện vai trò “tiền đạo lùi” cho mình. Đấy là lý do vì sao sau này Ferguson luôn xếp đội hình 4-4-1-1. Ông xếp cầu thủ trẻ Rooney vào vị trí tiền đạo lùi vì đương nhiên phải ưu tiên vị trí tiền đạo cắm cho ngôi sao Ruud van Nistelrooy. Từ đó trở đi (đã hơn chục năm), Rooney là một tiền đạo “không đứng cao nhất” trong đội hình M.U. Nghĩ ngợi làm gì!
 
Rooney chỉ là một ví dụ. Các cầu thủ khác cũng vậy. Thật ra, vấn đề của ĐT Anh không chỉ trong thời điểm này mà suốt nhiều năm gần đây, là con người hơn là lối chơi. Ngày xưa, David Beckham cũng chẳng bao giờ băn khoăn về lối chơi, vị trí, chiến thuật. Anh chỉ chạy cánh. Mỗi trận, Beckham có khoảng 4-5 quả tạt, đưa bóng đến đồng đội ở vị trí có thể ghi bàn. Thế là quá đủ - nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
 
Vào thời đỉnh cao của Beckham, quê hương bóng đá còn có Steven Gerrard, Frank Lampard, Rio Ferdinand, Sol Campbell, Michael Owen... Vậy nên Tam sư luôn vào tứ kết ở World Cup 2002, 2006 và EURO 2004. Họ không thể đi xa hơn ở những giải ấy đều vì kém may mắn. Khi có Chris Waddle, Gary Linker, David Platt, Paul Gascoigne thì ĐT Anh còn mạnh hơn, hay hơn. Họ chỉ dừng bước trước Đức ở vòng bán kết World Cup 1990, vì thua trong loạt sút luân lưu. Gascoigne và Platt đạt đến đỉnh cao phong độ tại EURO 1996, khi ĐT Anh có thêm Alan Shearer và Paul Ince. Vậy nên, EURO 1996 cùng với World Cup 1990, là một trong hai giải đấu hay nhất của Anh trong kỷ nguyên hiện đại.
 
Do con người cả thôi. Từ sau khi vô địch World Cup 1966, quê hương bóng đá mãn nguyện với cách chơi 4-4-2, một “phát minh vĩ đại”. Vấn đề chiến thuật cũng coi như ngừng phát triển trong làng bóng Anh từ đó. Với mặt bằng về đẳng cấp như hiện nay, Tam sư mà không tầm thường thì đấy mới là chuyện lạ.
 
Theo Bongdaplus

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây