Quý khách có thể truy cập bongdalives.net nếu khó khăn trong việc truy cập bongdalives.com. Chân thành cảm ơn!!!

Top 20 cầu thủ có hiệu suất ghi bàn tốt nhất cho ĐTQG

Chủ nhật - 08/09/2013 16:09
BongdaLIVES.com - Tân tuyển thủ Anh Rickie Lambert đang gây được ấn tượng mạnh khi đã liên tiếp lập công trong ĐT Tam sư. Tuy nhiên, dù có ghi được 2 bàn/2 trận thì anh vẫn cần có thêm thời gian để chứng minh mình là một trong những cầu thủ có hiệu suất ghi bàn đáng nể nhất trong màu áo ĐTQG, chẳng hạn như những cái tên được BONGDAPLUS nêu ra dưới đây.
Batistuta - Mueller - Pele - Suker - Drogba

Batistuta - Mueller - Pele - Suker - Drogba

 

20. Stern John (Trinidad & Tobago, 115 trận, 70 bàn, hiệu suất 0,61 bàn/trận)
Stern John đã trải qua quãng thời gian đáng quên trong giai đoạn cuối sự nghiệp. Mặc dù vậy, cựu tiền đạo CLB Sunderland hoàn toàn có thể tự hào về những gì mà anh đã làm được cho ĐTQG Trinidad & Tobago.
 
19. Dimitar Berbatov (Bulgaria, 78 trận, 48 bàn, hiệu suất 0,62 bàn/trận)
 
 
Berbatov có nhiều năm chơi bóng ở giải đấu đỉnh cao Premier League trong màu áo Tottenham, Manchester United và Fulham. Trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế vào năm 2010, Berbatov là thành viên không thể thiếu được của ĐT Bulgaria trong suốt hơn một thập kỷ.
 
18. Damian Mori (Australia, 45 trận, 29 bàn, hiệu suất 0,64 bàn/trận)
Là tiền đạo hàng đầu của ĐT Australia trong khoảng thời gian từ năm 1992-2002. Tuy ghi được nhiều bàn cho ĐTQG, nhưng Damian Mori lại không được quá nhiều người biết đến do anh chủ yếu chơi bóng ở giải trong nước (thực ra năm 1997 Mori cũng đầu quân cho Borussia Moenchengladbach trong 1 mùa giải nhưng không thu được thành công).
 
17. Rashidi Yekini (Nigeria, 58 trận, 37 bàn, hiệu suất 0,64 bàn/trận)
Không chỉ dẫn đầu danh sách các cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Nigeria, Yekini còn là người ghi được bàn thắng đầu tiên cho các “siêu đại bàng” ở một VCK World Cup (1994). Năm ngoái, cựu danh thủ có pha ăn mừng đáng nhớ sau pha làm bàn vào lưới ĐT Bulgaria trên đất Mỹ này đã qua đời ở tuổi 48.
 
16. Wlodzimierz Lubanski (Ba Lan, 75 trận, 48 bàn, hiệu suất 0,64 bàn/trận)
Wlodzimierz Lubanski ghi được tới 5 cú hat-trick trong màu áo ĐTQG. Rất tiếc cho Lubanski là do bị gẫy chân nên ông không thể tham dự World Cup 1974, giải đấu mà ĐT Ba Lan đã giành vị trí thứ 3 chung cuộc.
 
15.  Didier Drogba (Bờ Biển Ngà, 96 trận, 61 bàn, hiệu suất 0,64 bàn/trận)
 Có lẽ không cần phải nói nhiều về Drogba bởi tài năng của cựu tiền đạo CLB Chelsea đã được cả thế giới thừa nhận. Nhờ sở hữu một chân sút hiệu quả như “Voi rừng”, Bờ Biển Ngà luôn được đánh giá là đại diện hùng mạnh bậc nhất lục địa đen trong những năm qua.
 
14. Davor Suker (Croatia, 69 trận, 45 bàn, hiệu suất 0,65 bàn/trận)
 
 
Ngay ở lần đầu tiên bước vào sân khấu lớn World Cup (1998), ĐT Croatia đã gây ấn tượng khi giành được huy chương đồng. Góp công lớn vào thành công của ĐT Croatia là Davor Suker, vua phá lưới World Cup 98 với thành tích 6 lần làm tung lưới đối phương.
 
13. Phil Younghusband (Philippines, 50 trận, 33 bàn, hiệu suất 0,66 bàn/trận)
Không có cơ hội thi đấu cho Tam sư, nhưng cầu thủ sinh ra tại Anh và trưởng thành từ lò đào tạo CLB Chelsea này cũng có sự nghiệp thi đấu quốc tế đáng tự hào. Kể từ năm 2006 tới nay, Younghusband đã ghi được tới 33 bàn cho ĐT Philippines chỉ trong 50 trận.
 
12. Gabriel Batistuta (Argentina, 78 trận, 56 bàn, hiệu suất 0,72 bàn/trận)
Có thể khẳng định, Gabriel Batistuta là một trong những tiền đạo hiệu quả nhất mà bóng đá Argentina từng sản sinh ra. Đáng tiếc cho Batigol là sự nghiệp quốc tế của anh lại kết thúc không được vẻ vang, đó là khi ĐT Argentina phải dừng bước ở World Cup 2002 ngay từ vòng bảng.
 
11. Godfrey Chitalu (Zambia, 108 trận, 78 bàn, hiệu suất 0,72 bàn/trận)
Chitalu là thành viên ĐT Zambia từng đánh bại Nigeria tới 5-1 ở vòng loại CAN 1974 và sau đó giành ngôi á quân giải vô địch các quốc gia châu Phi. Đây vẫn được xem là một trong những thành công vang dội nhất của đội bóng tới từ quốc gia nằm ở phía Nam châu Phi này.
 
10. Jorgen Juve (Na Uy, 45 trận, 33 bàn, hiệu suất 0,73 bàn/trận)
Jorgen Juve không chỉ ghi bàn giỏi mà anh còn rất đa năng. Trong những trận đấu của mình ở giai đoạn 1928-1937, Juve thường chỉ đá 1 hiệp trong vai trò tiền đạo, còn lại anh thi đấu ở các vị trí trung vệ hoặc hậu vệ biên.
 
9. Ali Daei (Iran, 149 trận, 109 bàn, hiệu suất 0,73 bàn/trận)
Trước khi chia tay ĐTQG vào năm 2006, Daei chơi tới 149 trận cho ĐT Iran trong 13 năm, và bàn thắng là thứ mà cầu thủ cao lớn này chẳng bao giờ thiếu. 
 
8. Chan Siu Ki (Hong Kong, 46 trận, 34 bàn, hiệu suất 0,74 bàn/trận)
Tài năng của Chan Siu Ki không đủ giúp ĐT Hong Kong vượt qua vòng loại World Cup, nhưng cầu thủ từng được Tottenham theo đuổi này vẫn được nhiều người đánh giá cao vì hiệu suất ghi bàn của anh là không chê vào đâu được.
 
7. Luigi Riva (Italia, 42 bàn, 35 trận, hiệu suất 0,83 bàn/trận)
Không phải là cầu thủ ghi được nhiều bàn thắng nhất cho ĐT Italia, nhưng hiệu suất ghi bàn của Luigi Riva thì không ai có thể sánh được. Mới đây, tiền đạo từng ghi bàn trong trận chung kết giúp Italia đăng quang ở Euro 1968 này đã đồng ý đảm nhận một vị trí trong BHL Azzurri.
 
6. Pele (Brazil, 92 trận, 77 bàn, hiệu suất 0,84 bàn/trận)
 
 
Xứng đáng là huyền thoại trong làng bóng đá thế giới. Ba chức vô địch World Cup cùng 77 bàn thắng ghi được cho ĐT Brazil là quá đủ để nói về tài năng của Pele.
 
5. Kunishige Kamamoto (Nhật Bản, 84 trận, 80 bàn, hiệu suất 0,95 bàn/trận)
Trong khoảng thời gian từ 1965 đến 1977, Kunishige Kamamoto chỉ được dự Olympic chứ không có cơ hội được góp mặt ở kỳ World Cup nào. Dẫu vậy, tên tuổi của Kamamoto không hề bị lãng quên do ông từng ghi rất nhiều bàn cho ĐTQG và có tới 7 lần được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất Nhật Bản.
 
4. Ferenc Puskas (Hungary, 85 trận, 84 bàn, hiệu suất 0,99 bàn/trận)
Chức vô địch Olympic 1952 và ngôi á quân thế giới 2 năm sau đó của ĐT Hungary có đóng góp không nhỏ của cựu tiền đạo CLB Real Madrid. Trong những năm cuối sự nghiệp Puskas từng thi đấu cho cả ĐT Tây Ban Nha, nhưng không thành công như khi ông còn cống hiến cho ĐT Hungary.
 
3. Gerd Mueller (Tây Đức, 62 trận, 68 bàn, hiệu suất 1,09 bàn/trận)
 
 
Những gì mà Mueller đã làm được thật đáng kinh ngạc. Đạt hiệu suất ghi trên 1 bàn/trận, giành ngôi vô địch châu Âu (1972) và thế giới (1974) cùng ĐT Đức, rõ ràng Mueller đã sở hữu một bản thành tích ấn tượng khiến nhiều đồng nghiệp của ông phải ghen tỵ.
 
2. Sven Rydell (Thụy Điển, 43 trận, 49 bàn, hiệu suất 1,14 bàn/trận)
Sven Rydell đã lập nên vô số kỳ tích trong màu áo ĐTQG, đáng kể nhất là 9 cú hat-trick cùng với chiếc huy chương đồng Olympic 1924 mà ông từng giành được với ĐT Thụy Điển.
 
1. Poul Nielsen (Đan Mạch, 38 trận, 52 bàn, hiệu suất 1,37 bàn/trận)
Poul Nielsen là ngôi sao của ĐT Đan Mạch trong những năm đầu của thế kỷ 20, ông giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế 5 năm trước khi VCK World Cup đầu tiên được tổ chức (1930). Trong danh sách các chân sút hàng đầu của ĐT Đan Mạch, Poul Nielsen đang chia sẻ vị trí số 1 với Jon Dahl Tomasson. Tuy nhiên, xét về hiệu suất thì Tomasson còn lâu mới sánh được với Nielsen vì anh cần tới 112 trận mới ghi được 52 bàn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây